Hội thảo khoa học quốc gia: Nghiên cứu cơ sở khoa học về lý luận và thực tiễn xây dựng phát triển mô hình kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu”


28-04-2017
Ngày 27/04/2017, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề“Nghiên cứu cơ sở khoa học về lý luận và thực tiễn xây dựng mô hình phát triển kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu”. Đây là nội dung nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; Thí điểm tại một huyện điển hình” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020.

GS.TS Trần Thọ Đạt phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời ngoài trường có: TS. Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ThS. Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Nguyễn Đắc Đồng – Vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS Nguyễn Văn Thắng – Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS Phạm Văn Lợi – Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; các đại biểu đến từ các trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), Đại học Xây dựng, Đại học Thủy lợi…. Về phía trường ĐH KTQD có: GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng trường; cùng các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các phòng ban, viện, khoa, trung tâm, các cán bộ giảng viên và sinh viên của nhà trường.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Trần Thọ Đạt đánh giá vấn đề biến đổi khí hậu, mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu nói chung và và xâm nhập mặn nói riêng đã, đang và sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cũng như đời sống của người dân đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhận thức được vấn đề này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề Nghiên cứu cơ sở khoa học về lý luận và thực tiễn xây dựng mô hình phát triển kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu”. GS.TS Trần Thọ Đạt khẳng định: “Hội thảo sẽ là diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ quản lý và các nhà hoạch định chính sách về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nói chung và xâm nhập mặn nói riêng đến đời sống kinh tế - xã hội. Đồng thời, hội thảo cũng tập trung trao đổi,phân tích về cơ sở để đề xuất mô hình phát triển kinh tế và sinh kế bền vững thích ứng với xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu đặc biệt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

TS. Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo

Đồng thuận với phát biểu của GS.TS Trần Thọ Đạt, TS. Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Hội thảo “Nghiên cứu cơ sở khoa học về lý luận và thực tiễn xây dựng mô hình phát triển kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu”. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu trở thành thách thức lớn của toàn nhân loại, mà Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất khi diện tích bị xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng lan rộng, thì việc tìm ra một mô hình kinh tế phù hợp là vấn đề cần thiết và cấp bách. Đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ mong muốn thông qua Hội thảo lần này, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu sẽ cùng xây dựng được mô hình kinh tế phù hợp cho ĐBSCL; đưa ra được những tiêu chí phân tích cụ thể cho mô hình kinh tế này; cũng như đánh giá được những cơ hội và thách thức khi áp dụng mô hình kinh tế vào triển khai thực tế…

Đại biểu tham dự Hội thảo

Sau gần 3 tháng chuẩn bị, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý, các chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau. Gần 40 bài viết đã được gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo. Trong quá trình biên tập, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 29 bài viết có chất lượng và phù hợp với nội dung của hội thảo để in trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết tập trung khai thác những vấn đề đa chiều về 2 chủ đề lớn: (1) Biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn: cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng; (2) Mô hình phát triển kinh tế và mô hình sinh kế thích ứng với xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu.

 

 

Đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Trong phiên thảo luận, các nhà khoa học đã tập trung trao đổi, thảo luận về nhiều nội dung lớn, như: Nhận diện những cơ hội, thách thức của biến đối khí hậu cũng như xâm nhập mặn đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; Thực tiễn và tính cấp thiết phải chuyển đổi sang mô hình kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn ở một số vùng kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt quan tâm đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Thảo luận về bộ tiêu chí đánh giá mô hình phát triển kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu; Làm rõ thành công và hạn chế của các chính sách phát triển, hỗ trợ sinh kế cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu nói chung và xâm nhập mặn nói riêng, đặc biệt quan tâm đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỉ niệm

Các ý kiến thảo luận trong Hội thảo sẽ được tổng hợp để hoàn thiện cơ sở lý luận về xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn. Từ đó có kiến nghị chung gửi cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước cùng các bên liên quan nhằm tăng cường khả năng thích ứng với xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu của người dân.

 

 

 

 

 

 

  

 

 

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo


Nguồn: P.CTCT&QLSV Người đăng:NEU
28-04-2017

Các ý kiến thảo luận

Tải thêm

Gửi
Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày