Động lực mới cho phát triển kinh tế


15-05-2017
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, 3 nghị quyết tại Hội nghị T.Ư 5 khóa XII sẽ tạo thêm động lực thực hiện đổi mới, cải cách kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ

Doanh nghiệp Nhà nước cứ thua lỗ sao phát triển được 

Theo ông, Hội nghị T.Ư 5 đưa ra những điểm mới nào về phát triển kinh tế?

Điểm mới đáng chú ý là một loạt các chính sách về kinh tế Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được nói rõ hơn, đầy đủ hơn về vị trí then chốt của DNNN cũng như đẩy mạnh cổ phần hóa đi đôi với đổi mới quản trị doanh nghiệp, tách vai trò quản lý nhà nước với vai trò chủ sở hữu. Đồng thời, sớm hình thành cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Những nội dung này đã được khẳng định phải hoàn thành trong năm 2018.

Tai hội nghị lần này, Tổng Bí thư cũng lần đầu nói đến chủ nghĩa tư bản thân hữu, hình thành nhóm lợi ích, “sân sau”. Đơn cử như cơ chế xin - cho. Trên thực tế, các văn bản pháp quy đều không cho phép, nhưng khi tổ chức thực hiện vẫn có tình trạng xin - cho, quan hệ thân hữu. Nay nhất thiết phải tạo sân chơi, môi trường kinh doanh bình đẳng. Nghị quyết xác định như thế, vấn đề còn lại là làm sao thực hiện cho tốt, rút ngắn thời gian, khoảng cách giữa ban hành chính sách với việc đưa vào thực hiện. Không để như Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, năm nào cũng kiểm điểm, nhưng thực hiện đều chưa đạt  yêu cầu.

Theo nghị quyết lần này, việc đánh giá DNNN nhấn mạnh tới hiệu quả kinh tế, điều này cân bằng ra sao với nhiệm vụ chính trị xã hội, thưa ông?

Nghị quyết xác định DNNN vẫn phải thực hiện những việc mà các thành phần kinh tế khác không làm, đó cũng là những nhiệm vụ chính trị và chiến lược.

Phải nói rõ có hai loại doanh nghiệp là doanh nghiệp công ích không đặt vấn đề hiệu quả kinh tế lên đầu và những DNNN sản xuất kinh doanh thì phải kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị xã hội với nhiệm vụ kinh tế.

Với DNNN sản xuất kinh doanh thì không thể không có hiệu quả kinh tế.  Nếu cứ thua lỗ sao phát triển được, nhưng cũng không yêu cầu đặt mục tiêu hiệu quả tối đa giống như kinh tế tư nhân, một khi các DNNN làm nhiệm vụ chính trị nặng nề hơn, phải đảm nhận những việc mà doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài không làm. Hay những lĩnh vực mang tính đột phá chiến lược chưa phải đã có hiệu quả kinh tế ngay ở giai đoạn đầu .

Hiện nay, các DNNN nói chung hiệu quả hoạt động chưa tốt, tăng trưởng không tương xứng, đi đôi với thất thoát vốn, nợ lớn, trong đó nợ xấu rất nhiều. Do đó,  hướng  tới là phải tiếp tục cải cách, đổi mới để phát huy thực sự vai trò của DNNN.

Doanh nghiệp tư nhân cũng phải tự tạo ra động  lực

Lần đầu tiên T.Ư ban hành một Nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân. Vậy, ngoài cải cách môi trường kinh doanh, theo ông kinh tế tư nhân cần thêm động lực gì để phát triển?

Cải cách môi trường kinh doanh là nhân tố số một, nhưng động lực thúc đẩy kinh tế tư nhân còn ở những chính sách khuyến khích hỗ trợ. Chúng ta vẫn nói khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nhưng hiện nay những chính sách khuyến khích hỗ trợ được thực hiện còn rất ít.  Chẳng hạn, hình thành mạng sản xuất, chuỗi giá trị là sự liên kết ngang chứ không phải liên kết dọc. Đã là liên kết ngang thì Chính phủ và các hiệp hội ngành hàng phải hỗ trợ tổ chức chứ không chỉ để doanh nghiệp tự vận động sẽ không thể làm được. Trong khi các hiệp hội của chúng ta hiện nay còn mang nhiều tính chất là công cụ hỗ trợ Nhà nước chứ không phải là hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Vấn đề nữa là doanh nghiệp tư nhân phải tự mình tạo ra động lực, không thể chỉ dựa vào Nhà nước. Động lực là cạnh tranh, thi thố tài năng bằng sức lực của mình. Hiện nay, các DNNN và doanh nghiệp tư nhân lớn thì tranh thủ quan hệ, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không nghiên cứu được thị trường, thiếu chiến lược kinh doanh tốt, bất cập về nhân lực và trình độ quản lý. Không phải tất cả đều tại doanh nghiệp, nhưng đã làm kinh doanh, đã khởi nghiệp thì trước hết phải tự tạo động lực cho mình, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từng doanh nghiệp phải tự lực, tự tạo tinh thần khởi nghiệp chứ không thể đi vay ai tinh thần này được. Rộng ra, cả nền kinh tế cũng phải lo nội lực của mình, nếu chỉ nặng dựa vào yếu tố bên ngoài là không được.

Ngay trước mắt, chúng ta phải làm gì để tạo ra sự chuyển biến tích cực, thưa ông?

Nghị quyết lần này sẽ là bước quan trọng thúc đẩy, tạo thêm động lực thực hiện đổi mới, cải cách kinh tế. Để thực hiện nghị quyết của Hội nghị T.Ư 5, năm 2017 và 2018 sẽ phải cố gắng làm sao tạo ra sự chuyển biến tích cực hơn nữa  về tăng trưởng và ổn định. Nói cho cùng, nền kinh tế tìm động lực ở đâu? Ở thể chế. Thể chế bắt nguồn từ đâu? Từ chủ trương chính sách của Đảng, rồi thể chế hóa nó ra thành luật pháp và các văn bản pháp quy của Nhà nước, đồng thời tổ chức thực hiện ráo riết. Lâu nay, Chính phủ đã tăng cường điều hành, nay có nghị quyết của T.Ư sẽ tạo thêm sức mạnh mới. Hy vọng rằng, thời gian tới có nhiều chính sách rõ ràng và được triển khai thực hiện hiệu quả.

Cảm ơn ông!


Nguồn: Cao Sơn/Bao giao thong Người đăng:NEU Alumni
15-05-2017

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày