Cuộc chiến mới chống độc quyền


08-05-2017
Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) theo dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư vào tháng 10/2017 và thông qua tại Kỳ họp thứ Năm vào tháng 5/2018, giới chuyên gia khuyến nghị cần hướng đến mục tiêu chống độc quyền

Nhiều dự án BOT giao thông với mật độ trạm thu phí BOT được xây dựng dày đặc nhằm mục đích tận thu với phí cao ngất ngưởng (Ảnh: Người dân và doanh nghiệp phản đối trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy và cầu Bến Thủy 2 ở Nghệ An do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) quản lý, khai thác)

Chính sách cạnh tranh quy định rõ các DN phải cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, nhất là giữa DN nhà nước và DN tư nhân, không dành ưu tiên cho bất kỳ đối tượng nào. Đây là điều mà dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi, đang được đưa ra lấy ý kiến) cần hướng đến.

“Độc quyền nhà nước”

Còn nhớ, hồi đầu năm, Bộ Công Thương (nơi soạn thảo bản dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi), đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi đề xuất danh mục 20 ngành nghề, lĩnh vực thực hiện độc quyền Nhà nước trong dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại. Khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đã lên tiếng, danh mục này chưa thuyết phục, chưa thực sự phù hợp với quy định tại Luật Thương mại 2005.

Từ chuyện này, có nhiều ý kiến bày tỏ rằng nếu Bộ Công Thương vẫn còn tư duy độc quyền, làm sao có thể chuyển sang cơ chế thị trường để cạnh tranh bình đẳng giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, độc quyền sẽ làm méo mó thị trường, vi phạm Luật Cạnh tranh. Cần phải hiểu tinh thần của độc quyền nhà nước không phải là một thứ đặc quyền mà là trách nhiệm trong một số lĩnh vực cần thiết như an ninh, quốc phòng hoặc để chống việc tư nhân độc quyền làm ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Mới đây, dư luận cũng bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng “độc quyền” các dự án BOT. Kết quả kiểm toán 27 dự án BOT giao thông được Kiểm toán Nhà nước báo cáo trong tháng 2/2017 cho thấy, 26 dự án chỉ định thầu, một dự án đấu thầu có hai nhà đầu tư thì một nhà đầu tư bỏ cuộc. Trong khi đó, dự án BOT thuộc diện phải đấu thầu rộng rãi.

Giải quyết cách nào?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Văn phòng NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên VIAC cho rằng: Luật Cạnh tranh một khi được ban hành như một khung khổ pháp lý chuyên biệt cần hướng tới thực hiện hai nhiệm vụ chủ yếu, đó là chống độc quyền và giám sát các liên minh trong kinh doanh cho mục đích căn bản và trực tiếp là bảo vệ tự do cạnh tranh. Đối với chống độc quyền, cần lưu ý rằng ngoài sự ngăn cấm các hành vi “độc quyền hóa” (hay tập trung kinh tế) một cách cố ý và chủ động nhằm giảm thiểu hay loại trừ cạnh tranh, cũng cần kiểm soát chặt chẽ cả các DN trở thành độc quyền tự nhiên do điều kiện khách quan hoặc các yếu tố ngẫu nhiên.

Về cơ chế thực thi Luật Cạnh tranh, việc kiểm soát chống độc quyền và hình thành các liên minh nhằm cản trở cạnh tranh tự do luôn luôn là sự thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiệm vụ này đòi hỏi các năng lực chuyên môn đặc biệt của lực lượng cán bộ thừa hành cũng như các thẩm quyền pháp lý đặc thù.

Sau cùng, có một nguyên lý rất hệ trọng để bảo đảm tính thiết thực của Luật Cạnh tranh, đó là cần trao quyền cho các bên hưởng lợi cũng như bị hại, bao gồm DN và người tiêu dùng, tạo điều kiện để nhóm đối tượng này được khởi kiện tư pháp chống lại các hành vi cản trở cạnh tranh tự do và lành mạnh. Ông Lập khẳng định: dự thảo luật cần phải có sự tham gia của tòa án, các cơ quan tư pháp và luật sư mới chứng tỏ bước cải cách thực sự.

Chính vì vậy, giới chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần có một khuôn khổ chính sách cạnh tranh toàn diện nhằm mở cửa thị trường cho DN gia nhập và cạnh tranh, đồng thời tăng cường hiệu lực thực thi chính sách cạnh tranh. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường và giao quyền tự chủ lớn hơn cho Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam (VCA) do VCA hiện thiếu tính độc lập trong hoạt động, dẫn đến tổn thất đáng kể về năng suất của nền kinh tế. Và đặc biệt, chính sự hạn chế về hiểu biết Luật Cạnh tranh của DN ở khu vực tư nhân cũng đang góp phần khiến cuộc chiến chống độc quyền trở nên khó khăn hơn.


Nguồn: Theo DĐDN Người đăng:NEU Alumni
08-05-2017

Các ý kiến thảo luận

Tải thêm

Gửi
Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày