Đây là khóa học ngắn hạn chuyên sâu được thiết kế cho các thành phần học viên trải rộng từ sinh viên đại học, thạc sĩ, nghiên cứu sinh, thành viên các tổ chức chính phủ và phi chính phủ ở nhiều lĩnh vực liên quan – những người sẵn sàng học hỏi để nâng cao hiểu biết, kiến thức và kỹ năng của mình về SCVR. Ba sinh viên đến từ Khoa Môi trường và Đô thị đã tham gia tất cả các nội dung của khóa học, thể hiện tốt kiến thức được học và tính chuyên nghiệp trong giao lưu quốc tế.
PGS. TS Lê Thu Hoa tham gia giảng khóa học
Tham gia giảng dạy trong khóa học là đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao và kinh nghiệm nghiên cứu, thực hành từ các trường đại học nổi tiếng của các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Anh. PGS.TS Lê Thu Hoa - Trưởng khoa Môi trường và Đô thị, Trường đại học Kinh tế Quốc dân vinh dự là đại diện của Việt Nam tham gia giảng dạy trong khóa học này.
Các hình ảnh về về lớp học và hoạt động ngoại khóa
Trong khóa học, các giảng viên và học viên đã cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề như: Định nghĩa và khái niệm về SCVR; Các yếu tố và chỉ số thành phần; Phát triển hạ tầng hướng tới SCVR; Các vấn đề xã hội – chính trị của SCVR; Công nghệ thông tin ứng dụng trong SCVR; Hoạch định và triển khai SCVR; Thực hiện các bài tập thực hành, nghiên cứu điển hình và đề xuất kế hoạch xây dựng SCVR tại các quốc gia. Các thành viên của khóa học cũng được trải nghiệm các buổi thực địa dã ngoại tới các mô hình khu công nghệ cao, trung tâm điều hành giao thông đô thị, mô hình sản xuất, đào tạo, làng nghề truyền thống thông minh tại hai thành phố Yogyakarta và Surakarta - nơi mà Chính phủ Indonesia đang từng bước xây dựng thành phố thông minh. Bên cạnh đó, các thành viên cũng rất vui mừng được tham quan các di tích danh thắng nổi tiếng của Indonesia như Merapi - một ngọn núi lửa tầng đang hoạt động, phun lửa thường xuyên từ năm 1548, triền núi là nơi cư ngụ của hàng nghìn người dân với làng mạc rải rác lên đến cao độ 1.700 mét; Đền tháp Borobudur - một kỳ quan Phật giáo tinh xảo và lớn nhất thế giới, xây dựng vào thế kỷ thứ VIII, và đã được UNESCO xếp hạng di sản thế giới vào năm 1991.
Các đại biểu chụp ảnh tại Trung tâm điều hành Gamma Techco
Cùng với 35 học viên từ các quốc gia Đông Nam Á và các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Pakistan, Palestine, Đức, Colombia, 3 sinh viên Việt Nam từ khoa Môi trường và Đô thị, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã được Ban tổ chức của UGM tài trợ vé máy bay và một phần chi phí tham dự khóa học. Tham gia khóa học, các bạn đã thu hoạch được những kiến thức vô cùng bổ ích. Quan trọng hơn, khóa học đã giúp các bạn được trực tiếp tham gia môi trường đào tạo, học hỏi mang tính chuyên nghiệp và quốc tế, có cơ hội cọ sát về chuyên môn và gia tăng các kỹ năng mềm trong công việc, tạo kết nối với các chuyên gia và bạn bè quốc tế.
Sau 9 ngày làm việc sôi nổi và hiệu quả, khóa học hè SCVR được các học viên đánh giá “đạt thành công ngoài mong đợi”.
PGS. TS Lê Thu Hoa - Trưởng khoa Môi trường và Đô thị chụp ảnh cùng sinh viên UGM
Theo nghĩa chung nhất, đô thị thông minh được hiểu là đô thị sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển hạ tầng mạng truyền dẫn, kết nối thông tin theo xu hướng “kết nối thông minh”, có tính tương tác cao hơn với người dân để giúp cho việc quản lý đô thị hiệu quả, thân thiện, đáp ứng tốt các nhu cầu thiết yếu của người dân, đồng thời giúp cho đô thị có thể phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, công bằng xã hội và đáng sống (more efficient, sustainable, equitable and livable). Đô thị thông minh bao gồm sáu khía cạnh quan trọng: kinh tế thông minh, quản trị thông minh, môi trường thông minh, người dân thông minh, di chuyển thông minh và cuộc sống thông minh (smart economy, smart gorvernance, smart environment, smart people, smart mobility and smart living). Trong bối cảnh của cách mạng công nghệ 4.0 thì đô thị thông minh vừa là cơ hội vừa là một mục tiêu mà nhiều thành phố, nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến.