Khảo sát kết hợp Hội thảo tư vấn ý kiến về việc chuyển đổi hình thức triển khai tín dụng HSSV về các trường đào tạo theo thẩm quyền quản lý trong thời gian tới


25-12-2017
Ngày 25/12/2017, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Khảo sát kết hợp Hội thảo tư vấn ý kiến về việc chuyển đổi hình thức triển khai tín dụng học sinh, sinh viên về các trường đào tạo theo thẩm quyền quản lý trong thời gian tới”.

Đến tham dự Hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự hiện diện của ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV; bà Trịnh Thị Anh Hoa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Giáo dục, Viện Khoa học GDVN. Về phía Ngân hàng Chính sách Xã hội có sự hiện diện của bà Hoàng Thị Chương – Phó Giám đốc Ban tín dụng sinh viên và các đối tượng chính sách khác. Về phía các cơ sở giáo dục đại học có sự hiện diện của PGS.TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may; PGS.TS Nguyễn Đức Huy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN; PGS.TS Mai Thanh Quế – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có sự hiện diện của PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm trong toàn trường. 

Thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ cho Bộ giáo dục và Đào tạo chủ trì khảo sát, tham vấn ý kiến của các Trường Đại học, Cao đẳng sư phạm và Trung cấp sư phạm đặc biệt là các trường tự chủ và sắp tự chủ về phương thức vay vốn tín dụng đối với học sinh, sinh viên trong thời gian tới. Theo đó Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn làm địa điểm tổ chức “Khảo sát kết hợp Hội thảo tư vấn ý kiến về việc chuyển đổi hình thức triển khai tín dụng HSSV về các trường đào tạo theo thẩm quyền quản lý trong thời gian tới”.

Ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV phát biểu khai mạc và Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm triển khai chương trình tín dụng HSSV của ngành giáo dục giai đoạn 2007 - 2017 

Bà Hoàng Thị Chương – Phó Giám đốc Ban tín dụng sinh viên và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách Xã hội phát biểu về việc thực hiện Chương trình tín dụng HSSV và những định hướng của Ngân hàng giai đoạn tới nhằm triển khai Chương trình hiệu quả, thiết thực hơn

PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường thay mặt Ban giám hiệu gửi lời cảm ơn tới đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách Xã hội, các vị đại biểu, các vị khách quý đã tới tham dự buổi Hội thảo ngày hôm nay. PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, Quyết định 157/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội nói chung và của các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nói riêng. Theo quy định, hiện nay mỗi học sinh, sinh viên đủ điều kiện được vay 1,5 triệu đồng/tháng với lãi suất 0,55%/tháng trong khi mỗi tháng học sinh, sinh viên cần chi tiêu tối thiểu khoảng 4 triệu đồng cho các nhu cầu học tập và sinh hoạt. Phó Giáo sư hi vọng trong thời gian tới chương trình có thể nâng mức cho vay hàng tháng để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu trang trải chi phí cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, Phó Giáo sư cũng hi vọng giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn và hai bên sẽ cùng dành thời gian để trao đổi thêm về việc bảo mật thông tin khách hàng nhằm bảo vệ quyền lợi cho học sinh, sinh viên.

Ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT và bà Hoàng Thị Chương – Phó Giám đốc Ban tín dụng sinh viên và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách Xã hội điều hành Hội thảo

Chính sách tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập trong suốt 10 năm qua là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Chính sách này không chỉ tạo lập chỗ dựa, niềm tin cho gia đình và bản thân các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, mà còn mang đến cho hệ thống chính sách an sinh xã hội sự cân bằng cần thiết. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong 10 năm qua, tổng doanh số tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên vay vốn học tập đã chạm ngưỡng gần 60.000 tỉ đồng với hơn 3,5 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn phục vụ cho mục đích học tập. Năm 2011, tổng dư nợ của Quỹ tín dụng lên tới trên 33.000 tỉ đồng và cho đến thời điểm này chỉ còn 16.429 tỉ đồng. Con số trên không chỉ thể hiện rõ tính hiệu quả của một chủ trương lớn mà còn cho thấy những ưu điểm của chính sách công bằng xã hội mà Nhà nước ta chủ trương, cũng như sự bình đẳng trong đào tạo đối với mọi đối tượng người học.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo nêu các ý kiến thảo luận

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến trao đổi đã được đưa ra về những vấn đề như: thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai cho học sinh, sinh viên vay vốn tại địa phương; những hạn chế nếu triển khai cho học sinh, sinh viên vay vốn tại Nhà trường; vấn đề thu nợ sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường… cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Hội thảo. Hội thảo đã dành thời gian xin ý kiến tham vấn về chuyển đổi hình thức triển khai tín dụng học sinh, sinh viên về các cơ sở giáo dục Đại học, các Trường Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm theo thẩm quyền quản lý trong thời gian tới. Hội thảo cũng đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến góp ý đối với các đối tượng là cán bộ, hộ gia đình và học sinh, sinh viên của Nhà trường.

Kết thúc Hội thảo, ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay mặt đoàn công tác tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu trong việc xây dựng các văn bản triển khai rộng rãi cho các Trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp sư phạm trên cả nước. Đồng thời, ông Dương Văn Bá cũng mong muốn Ngân hàng Chính sách Xã hội tích cực, chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, thực hiện tốt chương trình vay vốn đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần hỗ trợ cho các em có thể trang trải một phần kinh phí tối thiểu của cuộc sống và hoàn thành tốt khóa học của bản thân.

Lãnh đạo Nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo


Nguồn: Phòng truyền thông Người đăng:NEU Alumni
25-12-2017

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày