Hội thảo Quốc gia: “Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả theo hướng công nghiệp hóa”


15-09-2017
Làm rõ những nội dung, tiêu chí cơ bản để đánh giá đầu tư phát triển nông nghiệp công nghiệp cao; phân tích những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nhận diện xu hướng, đưa ra những giải pháp cụ thể thúc đẩy nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Đây là 3 nội dung chính được các giáo sư, nhà quản lý, khoa học đầu ngành đưa ra trao đổi, thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc gia về “Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả theo hướng công nghiệp hóa”.

 Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Vĩnh Phúc và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 16/8 tại Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tham dự Hội thảo, về phía Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng; GS.TS. Nguyễn Đình Hương - nguyên Hiệu trưởng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban GD, VH, TTN và Nhi đồng của Quốc hội; GS.TSKH Lê Du Phong - nguyên Quyền Hiệu trưởng; GS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Hiệu trưởng; GS.TS Nguyễn Thành Độ - nguyên Bí Thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng; GS.TS Phan Công Nghĩa - nguyên Phó Hiệu trưởng; GS.TS Trần Minh Đạo - nguyên Trưởng Khoa Marketing và đại diện lãnh đạo của các Khoa, Viện, Trung tâm, phòng ban trong trường, các nhà khoa học tham gia viết bài. Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Trì - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; ông Hoàng Văn Toàn - Thường Vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức tỉnh ủy và lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, lãnh đạo các Ủy ban Nhân dân huyện, lãnh đạo các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các cá nhân điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Vĩnh Phúc. Về phía Học Viện Nông nghiệp Việt Nam có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Xuân Trạch - Phó Giám đốc Học viện và đại diện Ban Khoa học công nghệ, đại diện lãnh đạo các khoa, bộ môn chuyên môn của Học viện. 
Tham dự Hội thảo còn có ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước,… và gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong cả nước. 

PGS. TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trường đọc Báo cáo đề dẫn

Báo cáo đề dẫn do PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hoa trình bày tại Hội thảo cho thấy: Sau hơn 30 năm đổi mới, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Nông nghiệp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị cao và tạo động lực lớn cho quá trình công nghiệp hóa đất nước. Tuy nhiên, về cơ bản, nền nông nghiệp nước ta vẫn là sản xuất nhỏ, kinh tế hộ còn chiếm chủ yếu; còn phụ thuộc vào sức lao động, tài nguyên thiên nhiên và hóa chất, chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Cơ cấu, năng suất và tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa vào mô hình tăng trưởng theo chiều rộng. Vì vậy, đòi hỏi cấp thiết là thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó, phải đẩy nhanh đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng sâu khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, phân phối được coi là một giải pháp đột phá để đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại bền vững, nông nghiệp sạch, thông minh, sản xuất hiệu quả theo nhu cầu thị trường. 
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, ngay khi tái lập, tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt dành cho nông nghiệp, bằng việc ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp; nhiều cơ chế ưu đãi, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, còn xuất hiện nhiều mô hình tổ chức sản xuất mới như: Cánh đồng mẫu lớn ở Tam Dương, Yên Lạc; trồng ngô biến đổi gen; thu gom ruộng đất sản xuất quy mô lớn, đưa giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân/đơn vị diện tích canh tác tăng lên qua từng năm, đến năm 2016 đạt trên 135 triệu đồng/ha. Trên địa bàn tỉnh đã có thêm nhiều Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp làm ăn hiệu quả; các loại hình dịch vụ về xây dựng, vận tải, thương mai phát triển đều khắp các vùng, góp phần thúc đẩy và làm sôi động các hoạt động kinh tế khu vực nông thôn. 
 

Ông Nguyễn Văn Trì – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc tham luận tại Hội thảo

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì, mặc dù được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong việc ban hành các chính sách cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn song phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh vẫn là vấn đề khá khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do ruộng đất của tỉnh vẫn còn manh mún; nguồn nhân lực dành cho nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu; các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, nhỏ lẻ, người dân vẫn còn thụ động trong tiếp cận công nghệ mới; còn thiếu các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; việc đầu tư vào nông nghiệp còn chưa được định hướng rõ ràng.
Để tìm lời giải cho bài toán trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tạo ra những ô thửa ruộng lớn dể ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kỳ vọng qua Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học sẽ trao đổi, đưa ra những kinh nghiệm, giải pháp hữu hiệu trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. 
Tại Hội thảo, sau khi nghe các báo cáo chính các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ những nội dung chính liên quan đến đầu tư phát triển nông nghiệp cao – cơ hội, thách thức và giải pháp; xu hướng, giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững; thực trạng và định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. 
 

GS. TS Nguyễn Đình Hương – nguyên Hiệu trưởng tham luận tại Hội thảo 
GS. TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Hiệu trưởng tham luận tại Hội thảo  GS. TS Nguyễn Xuân Trạch – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp phát biểu

Sau hơn 5 tháng chuẩn bị, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận về chủ đề đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả theo hướng công nghiệp hóa. Những ý kiến trao đổi, đề xuất trong kỷ yếu cũng như trong Hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc thành báo cáo kiến nghị gửi tới các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành nghề và tổ chức có liên quan để nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, tổ chức triển khai thực hiện nhằm chung tay vì một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững. 
Buổi chiều, các đại biểu đã trực tiếp tham quan mô hình đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Vineco tại huyện Tam Đảo. 
 

Ban tổ chức Hội thảo
 Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm


Nguồn: Khoa Đầu tư và Phòng Truyền thông Người đăng:NEU
15-09-2017

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày