Tọa đàm: “Thúc đẩy đào tạo về kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”


28-08-2021
Chiều ngày 25 và 26/8/2021, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cùng Đại sứ quán Thụy Điển đã tổ chức Tọa đàm: “Thúc đẩy đào tạo về kinh doanh có trách nhiệm trong các trường đại học khối Kinh tế tại Việt Nam” theo hình thức trực tuyến.

Buổi Toạ đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Tham dự Tọa đàm, về phía đại diện của UNDP Việt Nam có ông Patrick Haverman – Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; bà Diana Torres - Trưởng phòng Quản trị và Tham gia; cùng các chuyên gia của UNDP. Về phía Đại sứ quán Thụy Điển có bà Ann Mawe - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Về phía Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam có ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng ban tổ chức triển khai cuộc vân động xây dựng VHDN Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; cùng các vị đại biểu là các thầy cô là lãnh đạo, quản lý, giảng viên từ hơn 40 trường đại học / học viện trong cả nước; các quý vị lãnh đạo, quản lý đến từ 30 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS. Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS. TS. Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng nhà trường; GS.TS. Nguyễn Văn Thắng –  Viện trưởng Viện Phát triển Bền vững – Trưởng nhóm dự án; cùng đông đảo các thầy cô là lãnh đạo các khoa, viện, phòng ban chức năng và các giảng viên của nhà trường. Nhiều chuyên gia quốc tế về lĩnh vực liên quan cũng tham gia trình bày và trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và UNDP Việt Nam, được Chính phủ Thụy Điển tài trợ, hướng tới ba mục tiêu: (1) Nâng cao nhận thức về cách tiếp cận và khái niệm ‘Kinh doanh có trách nhiệm’ cho giảng viên khối kinh tế/ quản trị kinh doanh và các doanh nghiệp; (2) Nâng cao năng lực giảng viên trong việc soạn và giảng các nội dung về Kinh doanh có trách nhiệm thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn, và kiến thức từ các chuyên gia, doanh nghiệp, và nhà quản lý; và (3) Chia sẻ kinh nghiệm tư các nhà lãnh đạo, doanh nhân về thực hành kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam.

Tọa đàm chia làm hai phiên, phiên thứ nhất tập trung vào các mục tiêu thực tiễn là nâng cao nhận thức và cách tiếp cận khái niệm, cũng như chia sẻ kinh nghiệm của doanh nhân và lãnh đạo; phiên thứ hai hướng tới mục tiêu giảng dạy và đào tạo, nâng cao năng lực giảng viên và sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ tiếng Anh.

GS.TS. Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, GS.TS. Trần Thị Vân Hoa mô tả Kinh doanh có trách nhiệm như “một phong cách kinh doanh quan trọng” và là “biện pháp hữu hiệu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, nhưng vẫn còn là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam nên “cần được tiếp tục tổng kết, nghiên cứu và chia sẻ”. GS. Phó Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh nghiên cứu và đào tạo các doanh nhân và nhà quản lý có trách nhiệm như một “nhiệm vụ trọng tâm của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân” nhằm “cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như của toàn nền kinh tế”.

Ông Patric Haverman – Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam điều hành Tọa đàm

Phiên thứ nhất của Tọa đàm bắt đầu với phần trình bày từ góc nhìn hàn lâm của hai chuyên gia đến từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) với chủ đề “Khái quát về Quản trị và kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” và “Việc làm tử tế trong điều kiện Covid-19 tại Việt Nam”. Phần thứ hai là diễn đàn nơi các doanh nghiệp lên tiếng, chia sẻ kinh nghiệm về trách nhiệm với người lao động, về việc doanh nghiệp tạo ra những giá trị chung cho cộng đồng, và về cơ hội bình đẳng cho phụ nữ tại nơi làm việc.

Nếu như hai tham luận hàn lâm đóng vai trò gợi mở thì ba tham luận thực tiễn từ các doanh nghiệp đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với các đại biểu bởi những thành tích ấn tượng của các doanh nghiệp trong quá trình phát triển và thực hành kinh doanh có điều kiện như một nguyên tắc cốt lõi của mình.

Sau các bài tham luận là phần thảo luận hướng đến mục tiêu gắn kết giữa thực tiễn kinh doanh với đào tạo/nghiên cứu về kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam. Thảo luận diễn ra rất sôi nổi nhận, với phần lớn ý kiến tán thành cách tiếp cận do các chuyên gia đề xuất, và ngưỡng mộ cách doanh nghiệp tiên phong trong thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam - bà Ann Mawe phát biểu mở đầu phiên thứ hai của Tọa đàm

Trong phiên thứ hai của Tọa đàm (ngày 26/8), các diễn giả đã trình bày các quy định quốc tế về khung khổ “Bảo vệ – Tôn trọng – Khắc phục” của Liên hợp quốc thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm và quyền con người, giảng dạy kinh doanh hướng đến nền kinh tế xã hội: Công cụ cho giảng dạy kinh doanh có trách nhiệm và quyền con người, cũng như kinh nghiệm gắn kết giữa thực tiễn kinh doanh với đào tạo/nghiên cứu về kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam.

Phần thảo luận vẫn diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi từ các đại biểu là giảng viên các trường đại học Việt Nam, chủ yếu xoay quanh vấn đề giảng dạy kinh doanh có trách nhiệm và quyền con người, vốn là nội dung còn mới mẻ trong các trường đại học Việt Nam.

PGS.TS. Bùi Huy Nhượng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu bế mạc Tọa đàm

Kết thúc tọa đàm cũng là lúc chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và UNDP Việt Nam được Chính phủ Thụy Điển tài trợ, bước sang giai đoạn tiếp theo, đó là chuẩn bị tài liệu và chương trình để bắt đầu đưa những nội dung đã được trao đổi vào thực tiễn giảng dạy.

Một số hình ảnh khác tại Tọa đàm:

GS.TS. Nguyễn Văn Thắng - Viện trưởng Viện Phát triển Bền vững, Trường ĐHKTQD trình bày tham luận về “Quản trị và kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”

TS. Phạm Ngọc Toàn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với tham luận “Việc làm tử tế trong điều kiện Covid-19 tại Việt Nam”

Bà Diana Torres - Trưởng phòng Quản trị và Tham gia điều hành phiên thứ hai của Tọa đàm và nói lời cảm ơn, bế mạc Toạ đàm

Các diễn giả trả lời câu hỏi của đại biểu trong phiên thứ hai của hội thảo


Nguồn: NEU Người đăng:NEU
28-08-2021

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày