Hội thảo Khoa học Quốc gia: Đầu tư tư nhân cho giáo dục sau phổ thông ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng


07-10-2016
Nhằm tạo diễn đàn phân tích và chia sẻ về thực trạng đầu tư giáo dục ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng, từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp với đặc trưng của vùng nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư của người dân vào giáo dục đào tạo, ngày 5/10/2016, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) phối hợp cùng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (V.KHGDVN) đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: “Đầu tư tư nhân cho giáo dục sau phổ thông ở khu vực Đồng bằng sông Hồng”

PGS.TS Trần Thị Vân Hoa phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía V.KHGDVN có: GS.TS Trần Công Phong – Viện trưởng; TS. Trần Thị Phương Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý giáo dục. Về phía trường ĐH KTQD có: GS.TS Phạm Quang Trung – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Trương Đình Chiến – Trưởng Khoa Marketing; cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban, khoa viện, tổ chức chính trị trong trường, các cán bộ giảng viên và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu.
Một trong những vấn đề cơ bản của các nước, đặc biệt là với Việt Nam hiện nay, chính là đầu tư cho giáo dục. Nhiều nước, trong đó có cả những nước đang phát triển, đã dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này với việc đầu tư khoảng trên dưới 20% ngân sách hàng năm cho phát triển giáo dục. Trong khi đó, nhiều thập kỉ trở lại đây, Việt Nam cũng đã chú trọng tăng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục, tuy nhiên tỷ lệ đó vẫn ở mức dưới 10% ngân sách hàng năm. Đây là một tỷ lệ còn thấp và chưa đủ để đảm bảo cho nền giáo dục cất cánh. Vì vậy, một mặt cần thiết phải huy động sự đóng góp của người học và toàn xã hội để phát triển giáo dục; lao động sản xuất, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, xúc tiến các dịch vụ cũng là một khả năng to lớn của nhà trường để tăng thêm nguồn thu; mặt khác, chúng ta cũng cần biết quản lý và sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn vốn để phát triển giáo dục.
Làm thế nào để khuyến khích đầu tư tư nhân cho giáo dục? Hiệu quả đầu tư tư nhân cho giáo dục luôn là căn cứ quan trọng để khu vực tư nhân tham gia đầu tư nguồn lực cho hoạt động vẫn luôn được xem là “được phổ cập”, “dịch vụ công” này là chủ đề nghiên cứu được nhiều nhà nghiên cứu khoa học quan tâm trong nhiều năm qua.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Vân Hoa nhấn mạnh: “Chủ đề đầu tư cho giáo dục đã và đang là chủ đề nóng, được Nhà nước, Bộ giáo dục và đào tạo, các cơ quan ban ngành, các trường học và xã hội gần đây quan tâm, đặc biệt là giáo dục sau phổ thông. Chủ trương xã hội hóa giáo dục mang đến cơ hội học tập cho người học nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực cho cộng đồng bởi suất đầu tư cho mỗi người học sẽ tăng lên. Mỗi gia đình vì thế cần phải có những tính toán để xác định sẽ cho con tiếp tục theo học ở các cấp độ như thế nào để đạt được hiệu quả đầu tư cả về kinh tế và xã hội tối đa”.


TS. Trần Công Phong phát biểu tại Hội thảo


Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, TS. Trần Công Phong cho rằng chủ đề của Hội thảo lần này là một chủ đề hay, có tính cấp thiết đối với giáo dục Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Viện trưởng VKHGDVN kì vọng, thông qua các báo cáo, các ý kiến trao đổi trực tiếp, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học tham dự Hội thảo sẽ đưa ra được các chính sách phù hợp cho vấn đề đầu tư tư nhân cho giáo dục sau phổ thông ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng.
Sau hơn hai tháng chuẩn bị, Ban tổ chức đã nhận được khá nhiều bài viết và lựa chọn 14 bài viết phù hợp đăng tải trong Kỷ yếu. Các bài viết tập trung vào các nội dung: Cơ sở lý luận và thực tiễn về đầu tư và hiệu quả đầu tư cho giáo dục; Chính sách đầu tư cho phát triển giáo dục tại Việt Nam; Thực trạng đầu tư cho giáo dục sau phổ thông của người dân khu vực đồng bằng Sông Hồng; Và một số giải pháp nâng cao hiệu quả huy động và hiệu quả đầu tư cho giáo dục từ người dân khu vực đồng bằng Sông Hồng.


PGS.TS Trương Đình Chiến phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Phạm Thị Huyền trình bày tham luận tại Hội thảo


Tại Hội thảo, ba bài tham luận đã được các tác giả trình bày trực tiếp: Hiệu quả đầu tư tư nhân cho giáo dục sau phổ thông ở khu vực đồng bằng Sông Hồng của PGS.TS Phạm Thị Huyền – Trưởng Bộ môn Marketing, Khoa Marketing, trường ĐH KTQD; Thực trạng chi tiêu cho giáo dục và định hướng giáo dục cho con cái trong các hộ gia đình Việt Nam của ThS. Nguyễn Thị Linh Hương, Bộ Kế hoạch Đầu tư; Hiệu quả của đầu tư cá nhân cho giáo dục đại học công lập ở Việt Nam hiện nay của TS. Đặng Thị Minh Hiền, Viện KHGD. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận, trao đổi và đóng góp ý kiến, tập trung ở ba nội dung: Làm rõ thực trạng huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân cho giáo dục sau phổ thông ở Việt Nam nói chung và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng nói riêng; Xác định các định hướng chiến lược huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân cho giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam; Các giải pháp và kiến nghị với những bên liên quan nhằm nâng cao hiệu quả huy động vốn đầu tư cho giáo dục từ người dân.
Những ý kiến tổng kết từ Hội thảo là những kiến nghị quan trọng gửi tới các cơ quan Đảng, nhà nước, các Bộ ngành và địa phương, các cơ quan quản lý có liên quan, nhằm góp ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách và điều hành nền kinh tế nhằm thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư tư nhân cho giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.


Nguồn: P.CTCT&QLSV Người đăng:NEU Alumni
07-10-2016

Các ý kiến thảo luận

Tải thêm

Gửi
Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày