Tự chủ không phải là Nhà nước đứng ngoài cuộc


24-05-2017
(GDVN) - Chính phủ đang soạn một Nghị định về cơ chế của các trường đại học, cao đẳng phấn đấu đến năm 2020, 100% các trường đại học, cao đẳng đều hoạt động tự chủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo (Ảnh: Báo Chính phủ)

Về vấn đề tự chủ đại học, tại Hội nghị Phát triển khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các trường đại học, cao đẳng diễn ra ngay 23/5 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin, hiện Chính phủ đang soạn một Nghị định về cơ chế của các trường đại học, cao đẳng phấn đấu đến năm 2020, 100% các trường đại học, cao đẳng đều hoạt động tự chủ

Phó Thủ tướng phân tích, việc tự chủ không có nghĩa là ngân sách Nhà nước sẽ không còn đầu tư vào các trường nữa. Tất cả những vướng bận, can thiệp hành chính không cần thiết vào môi trường giáo dục thì nhất định phải được dỡ bỏ. 

Khi đó, Chính phủ sẽ cho các trường đại học, cao đẳng tự chủ về chuyên môn. Về tài chính, các trường được tự chủ về nguồn thu và chi.

Trong nguồn thu của các trường có một phần được cấp từ ngân sách Nhà nước, chứ không phải là cấp phát cào bằng như trước mà sẽ thực hiện theo hướng nơi nào cần giao nhiệm vụ thì kèm theo kinh phí để thực hiện. Còn có những gì mà xã hội, doanh nghiệp cần thì đặt hàng thông qua các chương trình hỗ trợ cho sinh viên.

Còn nguồn thu thì phải huy động từ nhiều nguồn như huy động doanh nghiệp, xã hội và cũng có nguồn từ học phí của sinh viên.  

Nhưng khi các trường điều chỉnh học phí thì phải có cơ chế đồng bộ để đảm bảo cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ một phần học phí hay học bổng toàn phần.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ ra rằng, một trong những điểm yếu của các trường đại học, cao đẳng hiện nay là do cơ chế sự sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học ở Việt Nam so với các nước tiên tiến còn có một khoảng cách rất xa.

Đây là điều hết sức day dứt khi số lượng các công trình nghiên cứu, các bằng sáng chế ở Việt Nam so với các nước ít hơn.

Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài trong các trường đại học một cách có hệ thống, phấn đấu có một hệ thống đồng đều. 

Trước đó, vào ngày 20/5, khi Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có buổi làm việc với ngành giáo dục, ông Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để có thể tự chủ thì phải có nguồn thu từ học phí để bù đắp nhưng tình hình hiện nay, các trường không dám tăng học phí vì sẽ không tuyển sinh được. 

Lúc này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin, hiện Bộ đang xây dựng Nghị định về tự chủ đại học, coi đây là khâu đột phá để tăng cường hiệu quả quản lý ở bậc đào tạo này.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị duy trì cấp ngân sách cho các trường đại học công lập 3 năm, tới năm 2020. Sau khi trường vững vàng về cơ chế tài chính thì sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ cao hơn nữa.

Về vấn đề tự chủ ở các trường đại học, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tự chủ ở đây trước hết là tự chủ về tài chính. Không tự chủ tài chính thì không thể tự chủ về bộ máy nhân sự còn những quyền hạn khác như tuyển dụng, xây dựng chương trình thực chất chỉ là phân quyền, giao nhiệm vụ chứ không phải là tự chủ.

Trao đổi thêm, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc tự chủ đại học nhằm tiến tới tạo thị trường cạnh tranh giữa các trường dựa vào chất lượng. Từ đó, các trường sẽ hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập theo quy định của pháp luật. 


Nguồn: Linh Hương/GDVN Người đăng:NEU Alumni
24-05-2017

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày