Trường ĐHKTQD và UNDP đồng chủ trì tọa đàm “Phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai: Nghiên cứu trường hợp và hàm ý chính sách”


13-12-2016
Nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng 09/12, sáng 8/12/2016 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã đồng tổ chức Tọa đàm và chia sẻ kết quả nghiên cứu “Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai: Nghiên cứu trường hợp và hàm ý chính sách” với sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành như Ban Nội Chính Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ,… cùng đại diện các sứ quán, các tổ chức quốc tế và tại Việt Nam.

Giáo sư Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD và bà Louise Chamberlain, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, đồng chủ trì hội thảo

Tại buổi Tọa đàm, nhóm chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chỉ ra hướng tiếp cận mới với các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Theo cách hiểu hiện nay, tham nhũng là sự vi phạm pháp luật vì lợi ích riêng. Cách tiếp cận này chỉ dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành và không dễ áp dụng trong các dự án hợp tác công tư, mà bản chất là hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Vì vậy, tiếp cận tham nhũng từ góc độ xã hội sẽ giúp làm rõ hơn các dạng tham nhũng và nguyên nhân tham nhũng, đặc biệt là trong các dự án phát triển hạ tầng và khai khoáng sử dụng nguồn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước.
Kết quả nghiên cứu từ năm (05) dự án khác nhau về xây dựng đô thị mới, khai khoáng, và cải tạo chợ đã chỉ ra nhiều loại hình tham nhũng khác nhau như thông thầu, tham nhũng chính sách,... Đặc biệt, các hình thức tham nhũng tồn tại không chỉ ở những nơi mà khung pháp luật còn nhiều khoảng trống để các cá nhân lợi dụng vụ lợi. Nhiều hình thức tham nhũng tồn tại cả trong trường hợp khung pháp luật đã đầy đủ. Thêm vào đó, các hình thức tham nhũng nảy sinh từ tương tác giữa doanh nghiệp với cán bộ công chức là nghiêm trọng nhất và hiện chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát. 
Từ cách tiếp cận này, nhiều đại biểu đề xuất, bên cạnh luật pháp hiện hành, cách tiếp cận từ góc độ xã hội cho phép đưa ra các biện pháp tăng cường trách nhiệm giải trình thông qua quá trình bầu cử cạnh tranh, kiểm tra, xem xét hành chính các dự án, tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các dự án, đồng thời tạo cơ chế cho người dân tham gia vào quá trình thảo luận chính sách và giám sát sự tuân thủ chính sách… những thay đổi này vì vậy nên được ưu tiên đưa vào Luật phòng, chống tham nhũng và các luật khác có liên quan.
Buổi tọa đàm thành công tốt đẹp đã một lần nữa khẳng định vai trò của đội ngũ nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong việc góp phần định hướng hoạch định chính sách kinh tế xã hội một cách hiệu quả nhất. Kết quả này cũng cho thấy sự hợp tác ngày càng chặt chẽ của Trường với các tổ chức quốc tế lớn tại Việt Nam./.
Một số hình ảnh về buổi tọa đàm


Nguồn: NEU Người đăng:
13-12-2016

Các ý kiến thảo luận

Tải thêm

Gửi
Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày