Ra mắt Chương trình Thạc sỹ Quản trị Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo & Khởi nghiệp và Tọa đàm “Tư duy kiến tạo khởi nghiệp và bài học kinh nghiệm ở Việt Nam”


14-07-2017
Ngày 11/7/2017, Trường đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) tổ chức Lễ ra mắt Chương trình Thạc sỹ Quản trị Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo & Khởi nghiệp (ETIM), hợp tác với Đại học Koblenz-Landau, CHLB Đức. Đây là chương trình thạc sỹ quốc tế đầu tiên tại Việt Nam tích hợp quản trị công nghệ, quản trị kinh doanh, sáng tạo và khởi nghiệp, dành cho các bạn trẻ năng động, có ước vọng biến những ý tưởng sáng tạo của bản thân thành cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam và quốc tế.

GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường ĐH KTQD phát biểu khai mạc chương trình

Tới dự Lễ ra mặt và Tọa đàm, về phía Trường đại học Kinh tế Quốc dân có GS. TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng nhà trường; PGS. TS Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng trường; TS Đồng Xuân Đảm - Viện trưởng Viện đào tạo Quốc tế cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc nhà trường. Về phía đại biểu khách mời có Giáo sư Tiến sỹ Harald Von Korflesch - Phó Hiệu trưởng Đại học Koblenz-Landau; Bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập và chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley; ông Trịnh Minh Giang, nhà sáng lập và giám đốc Tập đoàn VMCG, cùng các đại biểu trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Lễ ra mắt, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định sứ mệnh của Nhà trường là “cung cấp cho xã hội các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có chất lượng cao đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế về lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới”. Giáo sư Trần Thọ Đạt nhấn mạnh chương trình ETIM là một hành động cụ thể để thực hiện sứ mệnh này trước thềm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nhằm mang lại sự thay đổi mạnh mẽ của các doanh nghiệp, sự đổi mới, sáng tạo và tiên phong đi đầu của những nhà quản lý trẻ, tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, thực sự đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

Với vị thế là một trong 22 trường đại học tiên phong và tốt nhất tại CHLB Đức về khởi nghiệp, Đại học Koblenz-Landau sẽ mang tới cho các học viên tại Việt Nam một tư duy mới về kiến tạo kinh doanh đậm chất hiệu quả của nước Đức, đồng thời hun đúc tinh thần doanh nhân sáng tạo - cốt lõi của những chương trình đào tạo kinh doanh hiện đại. Đội ngũ giảng viên bao gồm các giảng viên, chuyên gia uy tín và giàu kinh nghiệm của cả hai trường đối tác, với phương pháp tương tác và gợi mở để học viên tiếp thu, vận dụng và sáng tạo được nhiều nhất những nội dung đào tạo.

Nét đặc sắc nhất của chương trình ETIM là 10 ngày trải nghiệm thực tế tại CHLB Đức, giúp học viên tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp start-up của châu Âu, và mang đến những cơ hội hợp tác quốc tế cho những doanh nhân tương lai. Những học viên xuất sắc nhất sẽ được xét cấp học bổng Erasmus+ của Liên minh châu Âu hỗ trợ học tập tại CHLB Đức trong thời gian từ 3-5 tháng. Học bổng bao gồm  toàn bộ chi phí sinh hoạt và vé máy bay khứ hồi.

GS.TS. Harald Von Korflesch, Phó Hiệu trưởng Đại học Koblenz-Landau trao giấy chứng nhận là đối tác đầu tiên đào tạo chuyên ngành ETIM tại VN cho ĐHKTQD

Nhân dịp này, Trường ĐHKTQD tổ chức Tọa đàm “Tư duy kiến tạo khởi nghiệp và bài học kinh nghiệm ở Việt Nam” dành cho các nhà quản lý khát khao mang đến sự đổi mới cho doanh nghiệp, những bạn trẻ đang ấp ủ một ý tưởng kinh doanh và tràn đầy ước vọng khởi nghiệp. Ba diễn giả đầy kinh nghiệm chia sẻ về những chủ đề nóng hổi và thiết thực trong vấn đề khởi nghiệp. Giáo sư Tiến sỹ Harald Von Korflesch, Phó Hiệu trưởng Đại học Koblenz-Landau, trình bày về Tư duy kiến tạo khởi nghiệp; Bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập và chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley, nói về hệ sinh thái và mô hình kinh doanh ở Việt Nam; và ông Trịnh Minh Giang, nhà sáng lập và giám đốc Tập đoàn VMCG, chia sẻ về những bài học kinh nghiệm về  khởi nghiệp  trong điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm

Điểm nhấn của Tọa đàm là bài giới thiệu về Tư duy kiến tạo khởi nghiệp  – một phương thức tư duy đầy sáng tạo trên nền tảng hệ thống mà Giáo sư Tiến sỹ Harald Von Korflesch đã nghiên cứu và phát triển trong nhiều năm. Đây là kết quả của sự kết hợp giữa tư duy thiết kế truyền thống và tinh thần doanh nhân hiện đại. Tư duy kiến tạo khởi nghiệp là một quá trình mở thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên sự đồng cảm và tính linh hoạt. Thông qua quá trình này, các doanh nhân tương lai có thể dần dần trải nghiệm thành công với những ý tưởng kinh doanh bám sát nhu cầu, mong muốn của khách hàng tương lai.

Làm thế nào để nhận ra các ý tưởng sáng tạo? Làm thế nào để nuôi dưỡng những ý tưởng mới? Làm thế nào để biến những ý tưởng mang tính bột phát thành các ý tưởng kinh doanh sáng tạo và khả thi? Và làm thế nào để thực hiện chúng một cách bền vững? Hiểu biết về tư duy kiến tạo khởi nghiệp sẽ giúp xác định những mong muốn tiềm ẩn, những nhu cầu và kỳ vọng của con người, cũng như khám phá ra các mẫu hình đằng sau các hành vi của họ. Với việc áp dụng các kỹ năng về Tư duy kiến tạo khởi nghiệp sẽ tạo ra ý tưởng. Các ý tưởng này sẽ được đưa vào thử nghiệm, được sàng lọc và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Trải nghiệm kết hợp với sự hợp tác sáng tạo giữa các nhóm chuyên môn sẽ mang tới những tác động tích cực cho khoa học và đời sống.

Bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Dự án Vietnam Silicon Valley, cố vấn cao cấp của Chính phủ về các dự án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, trình bày về Hệ sinh thái Khởi nghiệp và Mô hình tại Việt Nam. Bà Thạch Lê Anh mở đầu bài trình bày của mình bằng cách giới thiệu mô hình và các thành phần của một hệ sinh thái khởi nghiệp ở các nước phát triển trên thế giới. Quay lại với mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, bà đưa ra ba nguyên nhân chính dẫn tới việc đa số các startup thất bại ở giai đoạn đầu, đó là: thiếu sự hướng dẫn, thiếu khuôn khổ, và thiếu các quỹ hỗ trợ. Với tình hình như vậy, vai trò của các tổ chức thúc đẩy kinh doanh (business accelerator) và các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital) như Vietnam Silicon Valley (VSV), nơi mà bà là người sáng lập kiêm giám đốc, là cực kỳ quan trọng. Trên thực tế, VSV đã đóng góp được rất nhiều vào việc phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp và hỗ trợ các startup của Việt Nam, mà tiêu biểu nhất là câu chuyện của Lozi. Bà Thạch Lê Anh cũng bổ sung thêm rằng, để Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp thực sự, vai trò của các trường đại học là không thể thiếu. Bà cũng rất sẵn lòng hợp tác và hỗ trợ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong các dự án hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam, mà trước mắt là Chương trình Thạc sĩ Quản trị Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp – ETIM.

Bà Thạch Lê Anh trình bày về Hệ sinh thái Khởi nghiệp và Mô hình tại Việt Nam

Ông Trịnh Minh Giang, Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn VMCG, Chủ tịch nhóm công tác Khởi nghiệp Sáng tạo thuộc Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF), trình bày về Kinh nghiệm Khởi nghiệp trong điều kiện Việt Nam. Là người không thể thiếu trong thành công ban đầu của nhiều doanh nghiệp và tổ chức như Alphabooks, Alfred Nobel School hay VMCG, ông Trịnh Minh Giang là một nhân vật không còn lạ gì đối với những người đam mê khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Với kinh nghiệm của mình, ông cho rằng ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều rào cản cản trở làn sóng khởi nghiệp, cả chủ quan lẫn khách quan. Ông đưa ra ba lời khuyên dành cho các bạn khởi nghiệp sáng tạo. Thứ nhất, nắm bắt và mạnh dạn đầu tư và phát triển công nghệ. Đối với khởi nghiệp sáng tạo, ông cho rằng các nền tảng của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence hay AI), dữ liệu lớn (big data), công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) là cực kỳ quan trọng. Lời khuyên thứ hai là thương hiệu cá nhân của người sáng lập (startup founder). Theo ông, đây được coi là một trong những yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công cũng như hướng đi lâu dài của doanh nghiệp. Lời khuyên cuối cùng mà ông đưa ra là liên kết với các hiệp hội doanh nghiệp, nơi sẽ kết nối các startup với nhiều đơn vị và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp lớn cũng như hỗ trợ các startup về nhiều mặt khác nhau, từ marketing tới giáo dục và đào tạo con người.

Một số hình ảnh trong buổi lễ:

Quang cảnh Lễ ra mắt Chương trình ETIM

TS. Đồng Xuân Đảm – Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế giới thiệu về Học bổng Erasmus+

Diễn giả Harald Von Korflesch, Phó Hiệu trưởng Đại học Koblenz-Landau, trình bày về Tư duy kiến tạo khởi nghiệp

Diễn giả Trịnh Minh Giang trình bày về Kinh nghiệm Khởi nghiệp trong điều kiện Việt Nam

Đại biểu và khách mời chụp ảnh tại buổi lễ.


Nguồn: Viện ĐTQT và Phòng Truyền thông Người đăng:NEU
14-07-2017

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày