Phó Thủ tướng bàn chuyện tự chủ, biên chế với ngành giáo dục


22-05-2017
Tại buổi làm việc liên tiếp trong 4 giờ đồng hồ chiều 20/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng ngành giáo dục đã trao đổi nhiều vấn đề gợi mở cho Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Lê Văn

Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 đã xác định cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Trung ương đã giao Ban Cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Đề án để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 vào tháng 10/2017.

Mục tiêu của đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại hệ thống là để hệ thống tinh gọn, ít đầu mối hơn nhưng hoạt động với chất lượng cao hơn, thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ công lập. Còn đổi mới cơ chế tài chính là thay đổi phương thức cấp phát ngân sách, tăng cường cơ sở vật chất cho đơn vị, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động.

Hiện nay lĩnh vực giáo dục và đào tạo có tới hơn 1,2 triệu lao động - đông đảo nhất trong khối dịch vụ công. Sau khi nghe báo cáo của Bộ GD-ĐT về vấn đề này, Phó Thủ tướng nêu ra những vấn đề mà ông nghĩ cần làm rõ.

Chẳng hạn, nội hàm quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT hiện nay, đặc biệt là đề xuất xóa bỏ cơ quan chủ quản đối với các loại hình cơ sở GD-ĐT.

Hay nội hàm tự chủ - trong đó nêu rõ khả năng tự chủ của các đơn vị công lập trong giáo dục như thế nào và đối với những cấp học phổ cập, miễn phí thì sẽ tự chủ ra sao.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị rà soát lại hệ thống, trong đó đặc biệt tập trung vào vấn đề dồn các điểm trường tại những địa bàn thuận lợi về điều kiện giao thông từ đó tinh gọn đầu mối, biên chế và tăng đầu tư cho các điểm chính.

Ông nhìn nhận đây sẽ là cơ hội “chưa từng có” để ngành giáo dục đổi mới hệ thống và phát triển mạnh mẽ.

Bị động khi tuyển giáo viên theo cách "điền vào chỗ trống"

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD -ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay, ở phổ thông các trường cũng đã được tự chủ trong việc thành lập các bộ phận hay xây dựng chương trình. Tuy nhiên, riêng tự chủ trong tuyển dụng giáo viên thì có bất cập:

"Việc tuyển giáo viên theo kiểu điền vào chỗ trống khiến cơ cấu không đều, việc nâng cao chất lượng giáo dục rất khó khăn".

Trao đổi thêm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng khẳng định, hiện nay, nhiều nơi tuyển dụng giáo viên không căn cứ trên nhu cầu của từng trường mà tuyển dụng theo tổng biên chế, dẫn đến không cân đối giữa các cấp học.

tự chủ đại học, biên chế, viên chức, công chức, giáo viên

“Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là các chuẩn, quy chuẩn và quản lý nhà nước, hướng dẫn các địa phương chứ không làm thay quy hoạch” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh. Ảnh: Lê Văn

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây sẽ đẩy mạnh vấn đề tự chủ tuyển người cho các trường, đồng thời sẽ thí điểm có lộ trình việc thực hiện hợp đồng lao động thay vì hợp đồng làm việc của viên chức.

"Việc thực hiện hợp đồng lao động sẽ tạo ra sự cạnh tranh để những giáo viên giỏi có thể tham gia giảng dạy ở các trường khác nhau. Đây là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Không phân biệt trường công trường tư mà chỉ lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm chuẩn".

Đẩy mạnh tự chủ đại học

Nêu ví dụ từ lợi ích của cơ chế tự chủ đối với sự phát triển, ông Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, công trình tòa nhà trung tâm của trường thường được lấy ra làm hình ảnh cho việc đầu tư công dàn trải và khó khăn.

Trong gần 10 năm, mỗi năm chỉ xây dựng được 1 tầng - dù tòa nhà có quy hoạch 19 tầng. Nhưng kể từ sau khi nhà trường được cơ chế tự chủ thì tòa nhà đã hoàn thành sớm hơn tiến độ 1 năm.

 

Ông Đạt nói để có thể tự chủ thì phải có nguồn thu từ học phí để bù đắp nhưng tình hình hiện nay, các trường không dám tăng học phí vì sẽ không tuyển sinh được. Ông đề xuất nhà nước cho các trường tự chủ tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp và một số chính sách khác.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD-ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện Bộ đang xây dựng Nghị định về tự chủ đại học, coi đây là khâu đột phá để tăng cường hiệu quả quản lý ở bậc đào tạo này.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị duy trì cấp ngân sách cho các trường ĐH công lập 3 năm, tới năm 2020. Sau khi trường vững vàng về cơ chế tài chính thì sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ cao hơn nữa.

Trao đổi về vấn đề tự chủ ở các trường đại học, Phó Thủ tướng cho rằng, tự chủ ở đây trước hết là tự chủ về tài chính. Không tự chủ tài chính thì không thể tự chủ về bộ máy nhân sự còn những quyền hạn khác như tuyển dụng, xây dựng chương trình thực chất chỉ là phân quyền, giao nhiệm vụ chứ không phải là tự chủ.

"Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đề nghị duy trì kinh phí cho các đơn vị ít nhất là 3 năm, đến 2020 nhưng liệu sau 2020 thì các đơn vị có tự chủ được không?" - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, trong các ngành thì y tế và giáo dục là 2 ngành không nên tham gia quá nhiều vào thị trường vì đây là những dịch vụ thiết yêu, nhà nước phải đảm bảo. Một khi nhô quá cao so với thị trường thì trách nhiệm của nhà nước dễ bị coi nhẹ.

Trao đổi thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc tự chủ đại học nhằm tiến tới tạo thị trường cạnh tranh giữa các trường dựa vào chất lượng. Từ đó, các trường sẽ hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập theo quy định của pháp luật. 

Tổ chức lại hệ thống các đơn vị giáo dục công lập

Bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc sắp xếp lại các điểm trường của Quảng Ninh được tiến hành thận trọng trên nguyên tắc, chỉ dồn điểm trường khi đã có điều kiện về cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn tiến hành tổ chức kiêm nhiệm các chức danh kế toán, nhân viên y tế, thủ quỹ, văn phòng để tinh giản biên chế. Việc sắp xếp này không chỉ giúp tỉnh tinh giản biên chế mà còn tăng khả năng đầu tư vào các điểm trường chính.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, việc sắp xếp lại các điểm trường là yêu cầu cần thiết và có thể làm ngay vì không vướng vào luật. Từ đó, ông đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát lại mạng lưới các điểm trường, những nơi nào có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giao thông thì tiến hành sắp xếp lại.

tự chủ đại học, biên chế, viên chức, công chức, giáo viên
Ảnh: Lê Văn

Với vấn đề quy hoạch, Phó Thủ tướng cũng nêu vấn đề về các trung tâm giáo dục thường xuyên hay cơ sở 2 của các trường ĐH mở ra ở nhiều nơi trong khi nhu cầu thực tế không có. Theo Phó Thủ tướng, trung tâm giáo dục thường xuyên rất nhiều, ở đâu cũng có trong khi hiện nay không còn nhiều nhu cầu học dẫn đến lãng phí.

"Như ở vùng Tây Nguyên đã có ĐH Tây Nguyên nhưng nhiều trường vẫn mở cơ sở 2 ở Tây Nguyên" - Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Trao đổi về vấn đề quy hoạch mạng lưới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. 

Ông Nhạ khẳng định: "Quan điểm của chúng tôi là tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị, nguồn lực của ngành giáo dục, không phải mục tiêu chính là giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền.

Với cách đặt vấn đề như vậy, nhiệm vụ đầu tiên là quy hoạch lại, rà soát lại toàn bộ; theo đó, với mầm non, phổ thông, đã xây dựng các chuẩn, quy chuẩn một cách hợp lý trên cơ sở tiếp cận thực tế".

Đối với vấn đề mạng lưới đại học, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương sắp xếp lại toàn bộ theo hướng không phải theo hành chính, phân theo công tư mà quy hoạch theo ngành.

Theo đó, các trường ĐH và cụm ĐH thay vì rải rác khắp nơi sẽ được tập trung thành các cụm để đào tạo tốt nhất. Bộ cũng đã xây dựng xong các chuẩn để tiến hành quy hoạch. Đây sẽ là khung với các trường mới thành lập đồng thời là cơ sở để rà soát lại các trường đang hoạt động.


Nguồn: Lê Văn/VNN Người đăng:NEU Alumni
22-05-2017

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày