Tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 2, PGS.TS Hoàng Văn Cường tập trung vào những vấn đề “nóng” trong xã hội


17-05-2016
Ngày 9/5/2016, cùng với bốn ứng viên Đại biểu Quốc hội khóa XIV, PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐH KTQD) đã tiếp xúc với cử tri đơn vị bầu cử số 2 thuộc Quận Đống Đa và Quận Hai Bà Trưng. Chương trình hành động của Phó giáo sư Phó Hiệu trưởng đặc biệt chú trọng tới việc giải quyết những vấn đề dân sinh “nóng” đang được xã hội quan tâm.

PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân

PGS.TS Hoàng Văn Cường cho biết, xuất phát từ năng lực sở trường của bản thân và thế mạnh của Trường ĐH KTQD, trước những vấn đề đặt ra cần giải quyết, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông sẽ tập trung đề xuất với Quốc hội và các cơ quan có thầm quyền những vấn đề dân sinh “nóng” đang tồn tại trong xã hội hiện nay như: giáo dục, việc làm, quản lý đất đai và nhà ở đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm …

Cụ thể, đối với lĩnh vực giáo dục, PGS Phó Hiệu trưởng ĐH KTQD sẽ tích cực đóng góp các ý kiến và đề xuất các giải pháp nhằm giảm tải nội dung chương trình giáo dục phổ thông; thay đổi phương pháp đánh giá để không tạo áp lực thi cử, từ đó học sinh sẽ không cần học thêm và không còn dạy thêm; tăng thời gian cho các hoạt động giáo dục ngoại khóa, vui chơi giải trí và giáo dục kỹ năng sống để hình thành nếp sống có trách nhiệm cho thế hệ trẻ.

PGS.TS Hoàng Văn Cường sẽ tích cực đóng góp các ý kiến vào việc rà soát lại hệ thống các trường dạy nghề, cao đẳng và đại học theo hướng tăng cường kiểm soát và giám sát chất lượng. Phó giáo sư cũng dự kiến sẽ kiến nghị các giải pháp phân luồng học sinh theo định hướng nghề nghiệp ngay từ trường phổ thông; tăng cường phát triển hệ thống đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp; tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp để gắn nội dung, chương trình đào tạo với thực tế, đào tạo theo yêu cầu xã hội; dạy các kiến thức học sinh cần; đặc biệt là tăng cường rèn luyện các kỹ năng để sinh viên tốt nghiệp ra trường thích ứng ngay với công việc, dễ dàng tìm kiếm việc làm.

Đối với vấn đề phát triển kinh tế xã hội của đất nước, PGS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: “Với thế mạnh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bên cạnh tôi luôn có hơn 700 nhà khoa học là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ sẽ giúp tôi tích cực đóng góp các ý kiến có chất lượng vào việc hoạch định các chính sách và chương trình phát triển kinh tế xã hội nói chung của đất nước, của TP Hà Nội; đề xuất các giải pháp, định hướng phát triển các hoạt động kinh doanh, nhất là kinh doanh dịch vụ tại các vùng đô thị đông dân cư như Quận Hai Bà Trưng, Quận Đống Đa theo hướng Kinh doanh hiện đại”.

Có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về quản lý đất đai và nhà ở đô thị, Phó Giáo sư Hoàng Văn Cường cho biết, ông thấu hiểu và mong muốn có được cơ hội để đóng góp trực tiếp tiếng nói của mình đề xuất các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, cải tạo chỉnh trang đô thị, cải tạo các khu chung cư cũ trên quan điểm người dân có nhà ở mới, có mặt bằng kinh doanh cho người dân buôn bán kiếm sống tại chỗ, có không gian phát triển các công trình hạ tầng công cộng như vườn hoa, sân chơi, nhà văn hóa.

Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, ứng viên Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng cho biết: với 10 năm nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp, từng nghiên cứu về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại một số xã ngoại thành Hà Nội, từng tham gia tư vấn cho các huyện Thanh Trì, Thạch Thất, Hoài Đức và Mê Linh về Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và hiện là thành viên Ban Kinh tế - xã hội của Hội đồng khoa học Sở KHCN Thành phố Hà Nội, PGS.TS Hoàng Văn Cường khẳng định:. “Với những kiến thức và hiểu biết thực tế của mình, tôi có thể đóng góp các ý kiến và đề xuất các giải pháp để hình thành chuỗi cung ứng khép kín và tham gia cùng các cơ quan chức năng giám sát quá trình sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội Hà Nội”.

Giải đáp kiến nghị của cử tri về việc tăng học phí của các trường đại học sẽ làm mất cơ hội học tập ở các trường tốt đối với các em sinh viên con nhà nghèo nhưng học giỏi, PGS.TS. Hoàng Văn Cường đã làm rõ: Các em sinh viên thuộc diện hộ nghèo thuộc đối tượng được miễn giảm sẽ được nhà nước cấp học phí bằng mức học phí do nhà nước qui định, các trường sẽ phải cấp bù phần chênh lệch giữa mức học phí của Trường với học phí qui định của nhà nước. Những sinh viên nghèo học giỏi sẽ được Trường cấp học bổng từ nguồn quĩ học bổng gồm các nguồn: Học bổng khuyến khích học tập; Lãi thu được từ tiền thu học phí gửi vào ngân hàng thương mại; Quĩ học bổng huy động từ các cựu học viên, sinh viên và các doanh nghiêp. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện có quĩ học bổng từ các nguồn tài trợ lên đến trên 50 tỷ động; nhiều sinh viên được nhận học bổng lên đến 50 triệu đồng/ năm.

Giải đáp ý kiến của cử tri Lương Xuân Hùng – phường Đông Mác lo lắng về tình trạng chung cư cũ hiện nay xuống cấp nghiêm trọng nhưng kết quả xử lý rất chậm, Phó giáo sư cho rằng nguyên nhân sâu xa là do cơ chế của nhà nước dựa vào đầu tư của doanh nghiệp theo cơ chế xã hội hóa nhưng giới hạn không tăng thêm dân số là một bài toán không có lời giải. Muốn tháo gỡ “nút thắt” này, nhà nước phải đầu tư kinh phí cải tạo theo hướng dồn 3-4 nhà cũ vào một nhà mới cao tầng. Không gian trống sẽ sử dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng; xây dựng công viên và tạo cảnh quan.

Đối với ý kiến của cử tri Trần Duy Sơn về giải pháp đối với tuyển sinh đại học, làm sao cho cả thí sinh và gia đình thí sinh có thể đỡ phần nào vất vả; hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan, Phó giáo sư cho rằng cần phai thay đổi quan niệm triết lý về giáo dục từ quan niệm thình hành hiện nay là học để đi thi lấy điểm; điểm thi là tiêu chí đánh giá kết quả học tập. Kèm theo đó là giảm tải trong nội dung và chương trình giáo dục phổ thông để học sinh không cần học thêm mà cần dành nhiều thời gian cho vui chơi giải trí, hoạt động ngoại khóa, kỹ năng mềm đồng thời tăng thời gian cho các hoạt động giáo dục ngoại khóa, vui chơi giải trí và giáo dục kỹ năng sống để hình thành nếp sống có trách nhiệm cho thế hệ trẻ. Đánh giá kết quả học tập của học sinh phải dựa trên năng lực và kỹ năng thực hiện các mục tiêu giáo dục mà học sinh đã đạt được sau khi học. Khi đó, nhiều kỳ thi không còn nhiều ý nghĩa và thậm chí có thể bỏ.

Ý kiến của các cử tri đã được PGS.TS Hoàng Văn Cường giải đáp một các thấu đáo, đông đảo cử tri hài lòng và mong muốn có được các đại biểu quốc hội là những nhà khoa học xứng tâm để đóng góp trí tuệ phục vụ nhân dân đất nước.

Ngày 22/5/2016 tới đây, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.  


Nguồn: Bài, ảnh: P.CTCT&QLSV Người đăng:Nguyễn Thành Trung
17-05-2016

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày