Hội thảo Khoa học Quốc gia: "Cơ sở khoa học và thực trạng hệ thống định mức lao động kinh tế, kỹ thuật của giáo viên phổ thông và cơ chế quản lí nhân sự trong các trường công lập theo định hướng đổi mới giáo dục phổ thông"


02-12-2019
Sáng ngày 29/11/2019, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia: "Cơ sở khoa học và thực trạng hệ thống định mức lao động kinh tế, kỹ thuật của giáo viên phổ thông và cơ chế quản lí nhân sự trong các trường công lập theo định hướng đổi mới giáo dục phổ thông". Thuộc đề tài cấp Nhà nước. Mã số: KHGD/16-20.ĐT.029.

Quang cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng nhà trường; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm trong toàn trường. Về phía đại biểu ngoài trường có TS Nguyễn Hải Thập – nguyên Phó Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; TS Nguyễn Thị Hương – Chuyên viên chính Phòng Chính sách nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; TS Phạm Ngọc Thắng – Hàm vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; cùng đại diện trường: Đại học Lao động Xã hội; Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Nguyễn Tất Thành; Trường THPT Tây Hồ; Trường Phổ thông Liên cấp Nguyễn Siêu; Trường tiểu học Trưng Trắc.

PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để thực hiện Nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chủ trì từ 8/2018 với đề tài “Nghiên cứu định mức lao động kinh tế, kỹ thuật của giáo viên phổ thông theo định hướng đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới cơ chế quản lí nhân sự trong các cơ sở giáo dục phổ thông”, đến nay, đề tài đã thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tiến độ đề ra. Hội thảo hôm nay là một phần trong nội dung nghiên cứu của đề tài nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu và có được các ý kiến trao đổi, thảo luận trên nhiều góc độ khác nhau. Chủ đề hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham gia nghiên cứu và viết bài của nhiều nhà khoa học, các cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn từ nhiều trường đại học, các tổ chức chuyên môn và các cơ quan quản lý các cấp. Đồng thời, những ý kiến được trao đổi trong hội thảo rất quan trọng để hoàn thiện về cơ sở khoa học, phương pháp luận trong nghiên cứu, về hướng tiếp cận phù hợp cho nghiên cứu các nội dung tiếp theo của đề tài. Chính vì vậy, chúng tôi tin tưởng rằng với những ý kiến đóng góp của quí vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, cùng đội ngũ giáo viên phổ thông, đề tài sẽ xây dựng được định mức lao động giáo viên phù hợp và hoàn thiện cơ chế quản lý nhân sự trong các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần nghị quyết đại hội đảng lần thứ XI đã đề ra - PGS.TS Bùi Đức Thọ nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Thành Hưng - Chủ nhiệm đề tài trình bày tổng quan chung về đề tài và hướng tiếp cận 

Giáo dục Việt Nam trong suốt những năm qua đã có những thành tựu quan trọng, đáp ứng yêu cầu của đất nước qua từng thời kỳ phát triển. Sự phát triển cả về lượng và chất của giáo dục không chỉ thể hiện trong những kết quả cụ thể trong các chỉ tiêu quốc gia mà còn được ghi nhận đánh giá cao của nhiều nước và các tổ chức quốc tế. Bước sang thế kỷ 21, trên cơ sở các mục tiêu đã đạt được, Việt Nam tiếp tục có những chính sách và đầu tư để phát triển giáo dục lên một trình độ phát triển mới, cao hơn toàn diện hơn trên mọi mặt. Đó được xem như là một quá trình “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế” như nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

Theo tinh thần đó, đổi mới giáo dục phổ thông như công bố của Bộ giáo dục và Đào tạo (2018) là một quá trình thay đổi sâu sắc và toàn diện, cả về mô hình và nội dung thực hiện, cả về định hướng tiếp cận và phương thức triển khai... Đó cũng là một quá trình thay đổi mang tính bao trùm, xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống, từ cấp ngành đến địa phương và cơ sở, từ cấp độ các tổ chức (cơ quan quản lý, các trường học) đến từng cá nhân (mỗi giáo viên và từng cán bộ quản lý). Trong quá trình đó, đổi mới về cơ chế quản lý giáo dục, xác định được các tiêu chuẩn, định mức làm việc tiên tiến và xây dựng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có năng lực và phẩm chất toàn diện,... là khâu then chốt. Hi vọng rằng thông qua Hội thảo, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các giảng viên sẽ xây dựng được định mức lao động giáo viên phù hợp và hoàn thiện cơ chế quản lý nhân sự trong các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần nghị quyết đại hội đảng lần thứ XI đã đề ra.

 Các diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo


 
Đoàn chủ toạ điều hành phiên thảo luận tại hội thảo 

 Các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến tại hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm


Nguồn: NEU Người đăng:NEU
02-12-2019

Các bài viết gần đây
Các bài viết cùng chuyên mục
Đăng ký nhận bản tin
Nhập email của bạn vào ô bên dưới để đăng ký nhận bản tin hàng ngày